Tiểu sử Thạch_Lam

Thạch Lam sinh ra tại Hà Nội trong một gia đình công chức gốc quan lại, thuở nhỏ chủ yếu sống ở quê ngoại, phố huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Thạch Lam là người con thứ 6 trong gia đình 7 người con (6 trai, 1 gái).[2] Nguyên tên ban đầu của ông do cha mẹ đặt là Nguyễn Tường Vinh. Đến năm Thạch Lam 15 tuổi, thấy mình học chậm, cần tăng thêm tuổi để học "nhảy" 4 năm, ông làm lại khai sinh, thành Nguyễn Tường Lân.

Cha là Nguyễn Tường Nhu (1881-1918), thông thạo chữ Hán và chữ Pháp, làm Thông phán Tòa sứ, thường được gọi là Thông Nhu hay Phán Nhu. Mẹ là bà Lê Thị Sâm[3], là con gái đầu lòng cụ Lê Quang Thuật (tục gọi Quản Thuật), người gốc Huế đã ba đời ra Bắc, làm quan võ ở huyện Cẩm Giàng. Bấy giờ tri huyện Cẩm Giàng Nguyễn Tường Tiếp (tục gọi là Huyện Giám), quê gốc Quảng Nam, có con trai là Nguyễn Tường Nhu đến tuổi lấy vợ, mới cho người mai mối hỏi cô Lê Thị Sâm về làm dâu họ Nguyễn Tường.

Ông bà Phán Nhu lấy nhau hơn chục năm, dời từ ấp Thái Hà về số 10 Hàng Bạc, Hà Nội, rồi hết về quê Cẩm Giàng lại theo con cả Nguyễn Tường Thụy ở Tân Đệ, Thái Bình. Do buôn bán ở Thái Bình được một năm chẳng thuận, bà Phán Nhu lại đưa cả gia đình về Hà Nội. Khi vợ Nguyễn Tường Thụy xin ra ở riêng, bà lại về Cẩm Giàng. Người bạn cân gạo ngày trước là bà cả Hội nợ bà Nhu 60 đồng Đông Dương từ trước, trừ tiền nợ bằng hai mẫu đất cho bà Phán Nhu. Thế là bà cho đào ao, đắp nền, làm nhà gỗ, lợp rạ, cột vuông, bốn chung quanh hiên rộng, gọi là Nhà ánh sáng.

Ngày 31 tháng 8 năm 1917, cha của Thạch Lam sang Sầm Nưa, Lào làm thông phán Tòa sứ, được đem theo vợ để buôn bán mưu sinh nhưng chỉ tám tháng sau, ông bạo bệnh qua đời. Một mình nơi xa xứ, lo chôn cất chồng xong, bà Nhu trở về Việt Nam đi hết 12 ngày đường bộ và đường thủy, gian nguy vô ngần. Mãn tang chồng một năm, bà cùng bốn người thân lại sang Lào để mang hài cốt ông về nước đặt mộ bên bờ ao thuộc làng La A, xã Kim Giang, huyện Cẩm Giàng.

Sau khi chồng mất, bà tảo tần khuya sớm đi về làng quê cân gạo nhưng không đủ sống, đành nấu thuốc phiện, biết là hiểm nguy có thể bị người Pháp bắt bỏ tù bất cứ lúc nào để các con học hành thành đạt, tảo tần lo cho 7 người con ăn học. Sau khi các con đều đã có gia đình, bà xuất gia đến tu ở Đào Xuyên, Bối Khê, Hà Nội.

Khi biết tin Hoàng Đạo đột tử ở ga Thạch Long (Trung Quốc) năm 1948, bà đã làm lễ cầu siêu cho con, rồi vào Sài Gòn, tu ở chùa Xá Lợi cho đến năm 1960. Ít lâu sau bà viên tịch tại đó, trước ngày Nhất Linh mất (7 tháng 7 năm 1963).

Thời thơ ấu

Cha ông mất sớm, mẹ ông phải một mình buôn bán nuôi mẹ chồng và bảy người con...[4] Lúc nhỏ, ông chủ yếu sống ở quê ngoại.

Cẩm Giàng, Thạch Lam học tại trường Nam (Tiểu học Hải Dương, nay là trường Tiểu học Tô Hiệu). Đến khi người anh cả là Nguyễn Tường Thụy ra trường dạy học ở Tân Đệ (Thái Bình), mẹ ông đã đưa cả nhà đi theo người con cả, nên Thạch Lam đến học ở Tân Đệ. Nhưng ở đây được một năm, làm vẫn không đủ cho các miệng ăn, mẹ ông dẫn các con (trừ Nguyễn Tường Thụy) về Hà Nội ở nhà thuê, rồi cứ thế lúc thì ở Hà Nội, lúc thì ở Cẩm Giàng.

Muốn sớm đỡ đần cho mẹ, Thạch Lam đã nhờ mẹ nói khéo với ông lý trưởng cho đổi tên và khai tăng tuổi để học ban thành chung. Tiếp theo, ông thi đỗ vào Cao đẳng Canh Nông ở Hà Nội, nhưng chỉ học một thời gian, rồi vào trường Trung học Albert Sarraut để học thi Tú tài.